clock icon Thứ 2 - Thứ 7: 7h30 - 17h
  • English
  • Tiếng Việt
Chứng nhận hữu cơ - Organic ,

Nông nghiệp hữu cơ là gì? Quy trình chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam

Đăng ngày 07/10/2021

Những năm gần đây, thực phẩm hữu cơ là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng vì những lợi ích về sức khỏe mà nó đem lại. Nhiều trang trại đã xoay mình chuyển hướng sang canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Nhưng canh tác hữu cơ như thế nào là hiệu quả, sản phẩm như thế nào là đạt chứng nhận hữu cơ.

ICI đã nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này, cũng như doanh nghiệp cần làm gì để đạt chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam. Do vậy, chúng tôi quyết định sẽ viết một bài để chia sẻ thêm với bạn kiến thức về chứng nhận hữu cơ, cũng như trả lời câu hỏi “Doanh nghiệp cần làm gì để đạt chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam?”.

Chúng ta cùng theo dõi đến cuối bài viết nhé!

Đầu tiên, chúng tôi sẽ giải thích cho bạn Nông nghiệp hữu cơ là gì?

Nông nghiệp hữu cơ là gì?

Nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi là trồng trọt hữu cơ/canh tác hữu cơ là hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Mục đích chính là xây dựng hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, loại bỏ việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào tổng hợp, chẳng hạn như phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu, thuốc thú y, hạt giống và giống biến đổi gen, chất bảo quản, chất phụ gia và chiếu xạ, nhằm duy trì và tăng độ phì nhiêu của đất lâu dài và ngăn ngừa sâu bệnh.

Nhìn chung, canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao…

Các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam hiện nay

Chứng nhận hữu cơ là một chứng nhận được cấp cho sản phẩm nhằm khẳng định sản phẩm đó là hữu cơ, tùy vào thành phần đạt được bao nhiêu lượng % là hữu cơ theo từng quy định sẽ có chứng nhận tương ứng.

Trong canh tác hữu cơ hiện nay, 5 tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ phổ biến rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam là:

  • Chứng nhận hữu cơ EU Organic Farming của Liên minh Châu Âu
  • Chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ
  • Chứng nhận hữu cơ JAS của Nhật
  • Chứng nhận hữu cơ ASEAN
  • Chứng nhận hữu cơ Organic của Việt Nam.

Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành và công bố Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ gồm các phần sau đây:

  • TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ- Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,
  • TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ- Phần 2: Trồng trọt hữu cơ,
  • TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ- Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ.

Tùy vào mục đích của trang trại, cũng như yêu cầu của nước xuất khẩu, bạn có thể lựa chọn tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ phù hợp để áp dụng và đăng ký cấp chứng nhận.

Các quy định trong chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam

Nhìn chung các tiêu chuẩn hữu cơ trên giống nhau gần như 95% về bộ tiêu chí kiểm định quy trình và độ khó. Vì tính nghiêm ngặt cao của các chứng nhận này nên nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đã dựa theo 3 bộ tiêu chuẩn USDA, EU và JAS mà xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu của quốc gia mình.

Theo định nghĩa của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ: “Tiêu chuẩn hữu cơ – Organic” là từ được ghi trên nhãn những sản phẩm được sản xuất theo phương pháp và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được chấp thuận. Các tiêu chuẩn hữu cơ này phải đạt những yêu cầu cụ thể được kiểm định bởi một đơn vị trung gian được chỉ định bởi Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ trước khi sản phẩm có thể dán nhãn USDA Organic (đạt chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ).

Bộ tiêu chuẩn cũng quy định rõ chất liệu của các loại nông cụ được cho phép trong sản xuất hữu cơ. Nhìn chung, sản xuất hữu cơ phải thể hiện rằng nó đang bảo vệ hệ sinh thái; tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; và chỉ sử dụng các chất hữu cơ đã được phê duyệt.

Canh tác hữu cơ như thế nào là hiệu quả?

  1. Là phải có đầu vào sạch gồm đất, nước, không khí, các loại con/cây giống phải thuần; không được sử dụng giống biến đổi gen (GMO); các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép; phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ; cuối cùng là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Các loại hóa chất độc hại đều bị cấm trong canh tác hữu cơ.
  2. Hàm lượng các loại độc tố và kim loại nặng trong đất, nước phải ở mức cực nhỏ từ vài đơn vị đến dưới 100 ppm (mật độ) tùy loại theo danh mục quy định. Với những tỉ lệ nhỏ như vậy, hàm lượng các loại chất độc này gần như không đáng kể trong sản xuất hữu cơ.
  3. Các quy tắc và những quy định về sản xuất, xử lý; ghi nhãn, quản lý các sản phẩm theo chứng nhận hữu cơ của USDA. Vì vậy, đối với những ai muốn đạt chứng nhận hữu cơ thành công cần đặc biệt chú ý đến những điều này. Theo đó, những nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ này rất quan trọng, cần thiết và có ảnh hưởng nhiều đối với các nhà nông khi làm chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam.

Lợi ích của chứng nhận hữu cơ

Chứng nhận hữu cơ mang lại giá trị cao cho sản phẩm từ trang trại. Giúp sản phẩm dễ dàng đến được các thị trường “khó tính”, có yêu cầu cao về thực phẩm an toàn và sạch.

Việc thực hiện và chứng nhận còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, khi mà các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường được ưu tiên trao đổi tại đó.

Ngoài ra, áp dụng và được chứng nhận hữu cơ cũng là một cam kết của nhà sản xuất về bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm tối đa rác thải, bảo vệ nguồn đất, nước, vi sinh vật và hệ sinh thái. Giúp con người phát triển hài hòa và bền vững với thiên nhiên.

Quy trình chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam

Bước 1: Đăng ký cấp chứng nhận hữu cơ

Đầu tiên, bạn thực hiện đăng ký thông tin cấp chứng nhận hữu cơ với tổ chức chứng nhận. Hai bên sẽ cùng trao đổi và thống nhất thông tin, đảm bảo việc đánh giá chứng nhận đúng theo yêu cầu của Tiêu chuẩn và của khách hàng.

Cụ thể như:

  1. Các yêu cầu cơ bản của việc chứng nhận thực phẩm hữu cơ;
  2. Kết quả kiểm nghiệm: mẫu đất, mẫu nước ngẫu nhiên trong trang trại để kiểm nghiệm. Và sau khi thu hoạch, trang trại cũng phải lấy mẫu nông sản để gửi kiểm định các thành phần độc tố và các thành phần dinh dưỡng xem có đạt đúng tiêu chuẩn hay không.
  3. Trình tự thủ tục chứng nhận hữu cơ;
  4. Trao đổi các tiêu chuẩn chứng nhận;
  5. Các loại chi phí của hoạt động đánh giá chứng nhận;
  6. Kế hoạch đánh giá chứng nhận.

Bước 2: Đánh giá sơ bộ (giai đoạn hồ sơ, tài liệu)

Tổ chức chứng nhận sẽ cử chuyên gia đến đánh giá tình trạng thực tế nhằm phát hiện ra những điểm chưa phù hợp của hồ sơ, tài liệu hữu cơ và việc áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng tại thực địa.

Sau khi kiểm tra và đánh giá sơ bộ, chuyên gia đánh giá sẽ đưa ra được những điểm chưa đạt yêu cầu trong hồ sơ tài liệu và thực tế áp dụng cần chấn chỉnh để trang trại sửa chữa kịp thời. Bước đánh giá sơ bộ này rất có lợi cho trang trại vì nó đóng vai trò hướng dẫn khuôn mẫu cho bước tiến hành đánh giá chính thức.

Bước 3: Đánh giá chứng nhận (đánh giá thực địa)

Đoàn chuyên gia đánh giá sẽ đến kiểm tra và thẩm định tại thực địa, xem xét sự phù hợp của các hồ sơ với thực tế, kiến nghị sửa chữa các điểm không phù hợp;

Ở bước này, tổ chức chứng nhận sẽ xác định hiệu quả của hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm;

Kết thúc đánh giá tại thực địa, đoàn đánh giá sẽ tổ chức một buổi họp kết thúc, trang trại sẽ có cơ hội đưa ra ý kiến về những gì kiểm tra tìm thấy đã nêu ra.

Bước 4: Cấp giấy chứng nhận hữu cơ

Trang trại được cấp giấy chứng nhận khi đáp ứng toàn bộ những yêu cầu của bộ quy chuẩn chứng nhận hữu cơ và các điểm không phù hợp đã được khắc phục sửa chữa, được trưởng đoàn đánh giá xác nhận. Và kết quả thử nghiệm sản phẩm phù hợp theo quy định.

Lúc này, trang trại mới có thể được sử dụng logo chứng nhận hữu cơ trên nhãn sản phẩm.

Bước 5: Giám sát sau chứng nhận

Trong thời gian hiệu lực chứng nhận, sẽ có 2 lần đánh giá giám sát (12 tháng/lần). Các công việc đánh giá giám sát về cơ bản giống đánh giá chứng nhận lần đầu.

Tới thời hạn giám sát theo quy định, Tổ chức chứng nhận thực hiện đánh giá giám sát định kỳ. Kết quả đánh giá giám sát sẽ là bằng chứng để để duy trì hiệu lực chứng nhận.

Trong bài viết này, chúng tôi tin mình đã mang đến cho bạn những chia sẻ cần thiết về chứng nhận nông nghiệp hữu cơ gồm: Khái niệm, các tiêu chuẩn phổ biến, nguyên tắc canh tác hữu cơ như thế nào là hiệu quả cũng như quy trình chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ là gì.

Dịch vụ liên quan