clock icon Thứ 2 - Thứ 7: 7h30 - 17h
  • Tiếng Việt
  • English

Tin tức

Jeffrey | 01/10/2021

ICI thực hiện đánh giá chứng nhận Online để ứng phó với dịch COVID-19

Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở những ngày cuối tháng 7 trở lại đây phát hiện nhiều ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây. Buộc chúng ta phải thích nghi với đại dịch và có những biện pháp phòng chống nghiêm túc, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng, ICI đã tuân thủ chỉ thị làm việc tại nhà. Trong đó công tác đào tạo, đánh giá chứng nhận cũng sẽ được chuyển sang phương án thực hiện online đánh giá trực tuyến từ xa. Trước tình hình dịch bệnh khó lường như hiện tại, việc đến đánh giá trực tiếp tại doanh nghiệp thuộc các địa bàn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ rất khó để thực hiện. Chính vì vậy, đánh giá chứng nhận từ xa là giải pháp hữu hiệu của tổ chức chứng nhận trong giai đoạn này, “đánh giá online” có thể là một hình thức thể hiện cho xu hướng mới trong những năm sắp đến, ngay cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi. Từ đợt bùng phát lần thứ 4 dịch Covid 19, ICI đã chủ động chuẩn bị kế hoạch, các nguồn lực, trang thiết bị,… để cung cấp đến khách hàng dịch vụ đánh giá chứng nhận bằng hình thức đánh giá trực tuyến. Phương án đánh giá chứng nhận trực tuyến từ xa của ICI được thực hiện theo hướng dẫn của Diễn đàn Công nhận Quốc tế IAF và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đồng ý với phương án làm việc này. Buổi đánh giá chứng nhận online do chuyên gia Nguyễn Văn Chung làm trưởng đoàn Để đảm bảo chất lượng cho hoạt động đánh giá online, nhiều cơ sở vật chất được ICI đầu tư, trang bị như: máy chủ, máy chiếu, camera, microphone, màn hình hiển thị,… phục vụ cho công tác đánh giá trực tuyến, cùng với đội ngũ nhân viên kỹ thuật vận hành thiết bị trong suốt quá trình đánh giá. Hình thức đánh giá được thực hiện qua ứng dụng hỗ trợ Zoom Meeting với tài khoản có bản quyền, đảm bảo phục vụ được tốt nhất cho khách hàng, không bị gián đoạn hoạt động. Bên cạnh đó, ICI đã yêu cầu các phòng, ban, chuyên gia đánh giá điều chỉnh lại kế hoạch công việc để phù hợp theo cơ chế “vừa online, vừa offline”, nhờ thế mỗi cá nhân chuyên gia ICI đều sẵn sàng cho các cuộc đánh giá trực tuyến từ xa. Về phía khách hàng, ICI sẽ gửi thông báo hướng dẫn chi tiết, để các khách hàng có thể chủ động chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu liên quan, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ,… cho cuộc đánh giá. Với hiệu quả các cuộc đánh online trong thời gian vừa qua, phương án này sẽ tiếp tục được ICI sử dụng phối hợp với những cuộc đánh giá trực tiếp tại chỗ. Cơ bản, mọi hoạt động của ICI vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ.

adminici | 16/03/2021

Quy định mới của EU về sản phẩm hữu cơ dành cho các nhà xuất khẩu ngũ cốc, đậu và hạt có dầu

Một quy định mới về sản phẩm hữu cơ sẽ có hiệu lực vào năm 2021, Đồng thời, một quy định kiểm soát mới chính thức bắt đầu. Các quy định này sẽ cho phép kiểm tra xem các sản phẩm nhập khẩu có đáp ứng các quy tắc của Châu Âu hay không? Quy định cũng sẽ điều chỉnh các biện pháp kiểm soát và hành động chống gian lận. Các nhà sản xuất ở nước thứ ba sẽ phải đáp ứng cùng bộ quy tắc như các nhà sản xuất ở Liên minh Châu Âu. Quy định mới của EU về các sản phẩm hữu cơ Tháng 1/2021, Liên minh Châu Âu sẽ đưa ra một bộ quy tắc mới theo quy định (EU) số 2018/848. Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Châu Âu, quy định mới sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng, đồng thời ngăn chặn gian lận và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. Quy định mới không chỉ kiểm soát việc sử dụng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm, mà còn liên quan đến quản lý đất và sản xuất thực phẩm. Bộ quy tắc đơn nhất này cũng sẽ áp dụng cho các nông dân ngoài EU xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của họ sang thị trường EU. Kể từ ngày 01/01/2021, Bộ quy tắc đơn nhất: EU sẽ không chấp nhận các tiêu chuẩn hữu cơ khác nhau được công nhận là tương đương với các tiêu chuẩn của EU. Thay vào đó, các nhà sản xuất hữu cơ phải áp dụng một bộ quy tắc mới của EU thay thế quy tắc tương. Tính đồng nhất sẽ có một phương pháp đồng nhất hơn để giảm nguy cơ ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật một cách không cố ý. Hệ thống kiểm soát chặt chẽ: các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ hơn và kiểm tra dựa trên rủi ro cao dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ cải thiện hệ thống kiểm soát. Việc kiểm tra các trang trại và cơ sở có rủi ro thấp sẽ diễn ra 24 tháng một lần thay vì 12 tháng một lần như hiện nay. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên sẽ áp dụng các quy trình quốc gia của họ nếu phát hiện ra chất cấm trên các sản phẩm hữu cơ. Hệ sinh thái đất: Quy định mới xác định mối liên hệ với đất như một nguyên tắc cơ bản. Điều này có nghĩa là hệ sinh thái đất sẽ vẫn là một trong những yêu cầu cơ bản của sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, một số loại cây trồng sẽ ngoại lệ. Ví dụ, sản xuất hạt nảy mầm, không cần thay đổi canh tác liên quan đến đất đai. Chứng nhận nhóm cho các hộ nông dân nhỏ lẻ: Chứng nhận nhóm sẽ không còn giới hạn đối với các hộ nông dân nhỏ lẻ từ các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa là chứng nhận cũng sẽ được cấp cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ ở EU. Quy định mới về các sản phẩm hữu cơ sẽ áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến và đã được chế biến được sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm đã được chế biến chỉ có thể dán nhãn hữu cơ khi ít nhất 95% thành phần nông sản là hữu cơ. Tác động của quy định mới về sản phẩm hữu cơ đối với các sản phẩm ngũ cốc, đậu và hạt có dầu ở các nước đang phát triển Quy định mới sẽ công bằng cho các nhà sản xuất nông nghiệp châu Âu. Nhưng các nhà sản xuất hữu cơ nhỏ ở các nước đang phát triển có thể sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu. Các nhà sản xuất hữu cơ ở các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức khác nhau so với nhà sản xuất châu Âu. Nhiều loại cây ngũ cốc, hạt và hạt có dầu ở các nước đang phát triển được sản xuất trên quy mô lớn ở các vùng cận nhiệt đới (đậu tương, vừng, hạt chia). Những loại khác ở vùng cận biên và nghèo (hạt diêm mạch quinoa, hạt kê fonio). Những vùng này sẽ có các vấn đề khí hậu và bệnh thực vật khác nhau. Các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, chất lượng nước và vận hành không thể so sánh được với những tiêu chuẩn trung bình của nông dân châu Âu. Các vấn đề quan tâm khác Ngoài ra, một vấn đề quan tâm khác của các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển là gian lận. Điều này khá phổ biến đối với một số sản phẩm tốt cho sức khỏe như hạt chia. Chứng nhận và công nhận thực phẩm hữu cơ đã trở thành một ngành kinh doanh. Các nhà sản xuất không tin rằng quy định mới sẽ thay đổi điều này. Nhưng các quy tắc hữu cơ vẫn rất rõ ràng. Các nhà sản xuất được chứng nhận không được phép sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu trái phép nào trên cây trồng của họ. Các quy định mới khiến họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo duy trì đa dạng sinh học và chất lượng đất. Họ cũng phải ngăn ngừa sâu bệnh, các tác động tiêu cực đến môi trường và ô nhiễm các sản phẩm hoặc chất phi hữu cơ. Cuối cùng, để trở thành nhà cung cấp ngũ cốc, đậu và hạt có dầu hữu cơ cho châu Âu phải có một lối suy nghĩ thực sự hữu cơ. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na uy, Lát-vi-a)

adminici | 16/03/2021

Thực thi quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA: Cần lưu ý tận dụng

Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào ngày 01/08/2020, mặt dù diễn biến dịch bệnh tại EU và các nước trên thế giới rất phức tạp, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn liên tục ghi nhận mức tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU các tháng 8, 9, 10/2020 lần lượt đạt 3,25 tỷ USD, 3,07 tỷ USD và 3,3 tỷ USD, tăng 4,2%, 8,7% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thực thi quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA Sau hơn 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt tỷ lệ khá cao, chiếm khoảng trên 14% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11 năm 2020, các cơ quan tổ chức đã cấp trên 54.000 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 2,1 tỷ USD đi 28 nước bao gồm EU-27 và Anh. Tại Việt Nam, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Tại EU, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được hướng dẫn tại Tài liệu do EU soạn thảo. Trong đó, một số nội dung mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang thị trường EU như sau: 1. Ưu đãi thuế quan theo cơ chế GSP: Theo quy định tại Phụ lục 2-A, Phần A, điểm 3 của Hiệp định EVFTA, ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam theo cơ chế GSP sẽ được cố định và duy trì trong 7 năm đầu tiên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có thể lựa chọn sử dụng GSP hoặc EVFTA và áp dụng quy tắc xuất xứ tương ứng với mỗi cơ chế đó. Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, dù áp dụng thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng quy trình về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. 2. Ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa đã thông quan tại EU Theo quy định tại Chương 3, Luật Hải quan của Liên minh Châu Âu, hàng hóa của Việt Nam sau khi nhập khẩu vào EU (đã thông quan) vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ còn hiệu lực được phát hành sau ngày xuất khẩu. Trong trường hợp này, chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1 hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sẽ được phát hành sau theo quy định tại Điều 17 và Điều 19 (5), Nghị định thư 1, Hiệp định EVFTA. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU có C/O mẫu A, đã được thông quan và hưởng ưu đãi theo GSP (một phần hoặc toàn bộ) tại EU, nhà nhập khẩu EU vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy định tại Hiệp định. Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đề nghị cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền cấp sau C/O mẫu EUR.1 để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. 3. Cộng gộp vải nguyên liệu từ Hàn Quốc Nguyên tắc cộng gộp vải nguyên liệu có xuất xứ Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm dệt may tại Việt Nam không tự động được áp dụng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam và Hàn Quốc cần trao đổi, thống nhất việc phối hợp xác mình xuất xứ khi áp dụng nguyên tắc cộng gộp này và thông báo với EU. Hiện nay, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký công hàm trao đổi về việc thực hiện nguyên tắc cộng gộp xuất xứ vải theo Hiệp định EVFTA và đã có thông báo với EU. Sau khi EU phản hồi đã nhận được thông báo về việc triển khai cộng gộp của Hàn Quốc và Việt Nam, nguyên tắc cộng gộp vải này sẽ được áp dụng kể từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng mà EU phản hồi. 4. C/O mẫu EUR.1 EU chấp nhận C/O mẫu EUR.1 với seri AA được cấp bởi cơ quan, tổ chức cấp của Việt Nam đến hết ngày 31/12/2020. Như vậy, các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam có C/O mẫu EUR.1 với seri AA được cấp trước ngày 01/01/2021 vẫn được chấp nhận tại EU, cho dù lô hàng đó nhập khẩu vào EU sau ngày 01/01/2021. Kể từ ngày 01/10/2021, các cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền sẽ cấp C/O mẫu EUR.1 từ seri AB trở đi. EU chấp nhận C/O mẫu EUR.1 với seri AA được cấp bởi cơ quan, tổ chức cấp của Việt Nam đến hết ngày 31/12/2020. Như vậy, các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam có C/O mẫu EUR.1 với seri AA được cấp trước ngày 01/01/2021 vẫn được chấp nhận tại EU, cho dù lô hàng đó nhập khẩu vào EU sau ngày 01/01/2021. Kể từ ngày 01/01/2021, các cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền sẽ cấp C/O mẫu EUR.1 từ seri AB trở đi. Cục Xuất nhập khẩu

adminici | 16/03/2021

“Cơ hội” cho xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường Liên minh Châu Âu

Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ nông sản lớn, đa dạng và được giá. Năm 2019, EU nhập khẩu 166 tỷ USD các mặt hàng nông sản thô và chế biến. Tuy nhiên xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường này cho tới thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi rất khiêm tốn. Kim ngạch xuất khẩu nông sản Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU chỉ đạt 3,4 tỷ USD. Trong đó, sấp xỉ 70% (2,35 tỷ USD) là nông sản thô (cà phê, chè, điều, lúa gạo,…). Bên cạnh các yếu tố về chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến, khoảng cách địa lý,… các rào cản thuế và phi thuế là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam chưa khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này. Trong khi nông sản thô được hưởng thuế suất 0% thì các mặt hàng đã qua chế biến lại bị đánh thuế. Nhiều nông sản Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu (gạo, sắn, tỏi, nấm, đường…) không có cơ hội tiếp cận thị trường này do bị quản lý bởi hạn ngạch. Từ ngày 01/08/2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra những cơ hội cho thương mại song phương giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. EVFTA là hiệp định thương mại đầu tiên EU ký kết với một nước đang phát triển. Với tính chất là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hiệp định hướng tới mức độ tự do hóa thương mại cao hơn rất nhiều so với WTO, vốn là khuôn khổ điều chỉnh thương mại trước đó giữa Việt Nam và EU. Các rào cản thuế, phi thuế được dỡ bỏ một phần ngay khi hiệp định có hiệu lực và sẽ được loại bỏ hoàn toàn theo lộ trình sau 5-7 năm thực thi. Các thủ tục hải quan, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được thuận lợi hóa để giảm thiểu thời gian và chi phí thủ tục. Những yếu tố tích cực đó khiến EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt là xuất khẩu nông sản. Bởi về cơ bản thuế nhập khẩu của EU với các sản phẩm công nghiệp khác đã được loại bỏ hoặc ở mức rất thấp. Cơ hội tận dụng các lợi ích của EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này đến không chỉ từ việc dỡ thuế và hạn ngạch mà còn từ các cơ chế thuận lợi hóa thương mại. Ngoài việc dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu với hầu hết các mặt hàng trong vòng 5-7 năm, EU dành hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch 0% cho những mặt hàng còn lại mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như gạo, đường thô, ngô ngọt, tỏi, nấm… Các cơ chế thuận lợi hóa thương mại có tác động trực tiếp tới xuất khẩu nông sản bao gồm thống nhất các quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn giản hóa thủ tục cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ,... Hai nhóm hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU sau khi hiệp định được thực thi bao gồm: “Cánh cửa” cho nông sản Việt Nam vào thị trường Liên minh Châu Âu (i) Các mặt hàng được hưởng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch 0%. (ii) Các sản phẩm nông sản chế biến sẽ được hưởng thuế suất 0%. Với việc tăng cường xuất khẩu các nông sản chế biến, chúng ta không chỉ tận dụng các cơ hội của EVFTA mà còn thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển hóa các cơ hội thành các con số kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp cần có những giải pháp tổng thể nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại của nông nghiệp Việt Nam vốn đã được đề cập nhiều: quy mô nhỏ, chất lượng không đồng đều, kỹ thuật canh tác lạc hậu,… Trước hết, mục tiêu tận dụng cơ hội EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam và chiến lược xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế. Việc phát triển các nông sản đặc thù, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn không chỉ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà về lâu dài còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước khi mức sống ngày càng được nâng cao. Tiếp cận thị trường các nước phát triển phải đáp ứng đòi hỏi cao về chất lượng, điều kiện giao hàng, và ngược lại, nông sản sẽ được tiêu thụ với giá cao hơn nhiều so với tiêu thụ tại thị trường nội địa và khu vực. Đó cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới tư duy và phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước áp dụng các biện pháp quy hoạch, canh tác, quản lý chất lượng tiên tiến nhằm tạo ra các nông sản đặc thù, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để đạt mục tiêu này cần chú trọng hình thành các vùng trồng tập trung; các giải pháp hỗ trợ nông dân; xây dựng chuỗi liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân; phát triển công nghệ sau thu hoạch. Thực tiễn từ phát triển các vùng thâm canh vải Bắc Giang, cam Cao Phong, xoài Sơn La,… là thành công bước đầu để phát triển cho các địa phương cả nước. Để tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường EU, bên cạnh các giải pháp mang tính truyền thống về xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin về thị trường, hiệp định; phát triển dịch vụ logistics… cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm nông sản chế biến và các nông sản chúng ta có tiềm năng như mật ong, rau quả nhiệt đới, hoa…Đây là những mặt hàng hiện chưa có kim ngạch hoặc kim ngạch còn rất nhỏ nhưng có cơ hội tận dụng lợi thế khi thuế nhập khẩu vào EU được dỡ bỏ. Theo: congthuong.vn