VietGAP chăn nuôi hay VietGAHP chăn nuôi là một mô hình chăn nuôi sạch, được phát triển theo hướng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đạt an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ những kiến thức giúp cho bạn hiểu được khái niệm VietGAP chăn nuôi là gì? Các yêu cầu trong VietGAP chăn nuôi mà bạn cần biết?
VietGAP chăn nuôi là gì?
VietGAP chăn nuôi (VietGAHP – Vietnamese Good Animal Husbandry Practices) là quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam.
Quy trình thực hành chăn nuôi tốt bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng trong chăn nuôi nhằm đảm bảo vật nuôi được nuôi dưỡng để đạt được các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Quyết định 4653/QĐ-BNN-CN năm 2015 về Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
VietGAP chăn nuôi
Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi bao gồm:
- Lợn/heo (heo thịt, heo giống,…)
- Ngan/vịt, gà (có thể bao gồm chim cút) và các sản phẩm từ chăn nuôi (trứng vịt/ngan/gà)
- Bò thịt, bê thịt
- Bò sữa (sản phẩm sữa bò tươi)
- Dê thịt, dê sữa (sản phẩm từ sữa dê tươi nguyên liệu)
- Ong (sản phẩm từ ong như mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa,…).
5 lợi ích của VietGAP chăn nuôi
1. Chứng nhận VietGAP chăn nuôi sẽ làm tăng khả năng nhận biết của khách hàng về doanh nghiệp. Đặc biệt khi doanh nghiệp được công nhận đạt chứng nhận VietGAP, mức độ uy tín của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
2. Áp dụng mô hình VietGAP chăn nuôi làm thay đổi tập quán, thói quen, hành vi sản xuất, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho xã hội giảm bớt được chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội.
3. Sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
4. Thực hành chăn nuôi tốt giúp kiểm soát chặt chẽ chuỗi sản xuất, hình thành được quy trình sản xuất đạt chuẩn, mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, giúp doanh nghiệp phản ứng kịp thời với các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
5. Sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP dùng làm thực phẩm là nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho công nghiệp chế biến, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Các yêu cầu trong chứng nhận VietGAP chăn nuôi
Địa điểm xây dựng trang trại:
- Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m.
- Có đủ nguồn nước sạch phục vụ chăn nuôi và xử lý môi trường.
Bố trí khu vực chăn nuôi:
- Trại chăn nuôi phải có sơ đồ thiết kế, đảm bảo thông thoáng, đảm bảo phòng chống cháy nổ, dễ dàng vệ sinh, đảm bảo ATSH, bố trí riêng biệt các khu chuồng, kho thức ăn, thuốc thú y, vật tư; công trình cấp nước và khu xử lý chất thải.
- Tại cổng ra vào và các khu chuồng nuôi phải bố trí hố hoặc khu vực khử trùng.
Chuồng nuôi và thiết bị chăn nuôi:
- Chuồng nuôi phải được thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi vật nuôi và mục đích sản xuất.
- Máng ăn, uống dùng cho chăn nuôi phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh, tẩy rửa.
Giống và quản lý chăn nuôi:
- Áp dụng phương thức quản lý “cùng vào-cùng ra” theo thứ tự ưu tiên là: cả khu -> từng dãy -> từng chuồng -> từng ô.
Vệ sinh chăn nuôi
- Trang trại phải có đầy đủ trang thiết bị và quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, đảm bảo ATSH.
- Tất cả mọi người khi vào trại phải mặc quần áo, dày dép bảo hộ phù hợp; thực hiện đầy đủ các biện pháp khử trùng trong trại.
- Có lịch và thực hiện định kỳ phun thuốc khử trùng, phát quang bụi rậm xung quanh khu chuồng nuôi; định kỳ vệ sinh hệ thống cống rãnh 1 lần/tháng.
- Sau mỗi đợt nuôi hoặc sau khi chuyển đàn phải rửa sạch và khử trùng chuồng, thiết bị trong chuồng và để trống chuồng ít nhất 7 ngày.
Quản lý thức ăn và nước uống trong chăn nuôi:
- Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo sạch, an toàn.
- Không sử dụng thức ăn có hoặc cho vào thức ăn chăn nuôi các hóa chất, kháng sinh trong Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
- Nguồn nước cho chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, định kỳ kiểm tra E.coli và coliform. Có lịch và thực hiện kiểm tra thường xuyên hệ thống lọc, cấp nước.
Quản lý vận chuyển:
- Vận chuyển vật nuôi giữa các trại hoặc xuất bán phải có phương tiện vận chuyển phù hợp.
- Trước và sau khi vận chuyển lợn, phương tiện vận chuyển phải được khử trùng.
Quản lý dịch bệnh:
- Lập kế hoạch phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Có quy trình phòng bệnh phù hợp cho các đối tượng và thực hiện đúng quy trình.
- Có hồ sơ theo dõi đàn vật nuôi về dịch bệnh, nguyên nhân phát sinh, các loại thuốc phòng và điều trị.
Quản lý chất thải và bảo vệ môi trường:
- Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
- Chất thải lỏng phải được thu theo đường riêng vào khu xử lý chất thải và xử lý theo quy định của Nhà nước đảm bảo an toàn trước khi thải ra môi trường.
Kiểm soát động vật gây hại:
- Trại phải có kế hoạch kiểm soát động vật, loài gặm nhấm và côn trùng gây hại.
Quản lý nhân sự:
- Chủ trang trại phải thực hiện theo Luật lao động đối với người lao động trong trại.
- Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm
- Trang trại chăn nuôi phải lập sổ, ghi chép theo dõi và lưu trữ các thông tin trong quá trình chăn nuôi.
Kiểm tra nội bộ:
- Chủ trang trại phải tổ chức tiến hành kiểm tra nội bộ ít nhất mỗi năm một lần.
- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
- Trong trường hợp có khiếu nại, tổ chức cá nhân chăn nuôi phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật và lưu đơn thư khiếu nại cũng như kết quả giải quyết vào trong hồ sơ.