clock icon Thứ 2 - Thứ 7: 7h30 - 17h
  • Tiếng Việt
  • English
Tài liệu

TCVN ISO 14001:2015 (ISO 14001:2015) về Hệ thống quản lý môi trường

Đăng ngày 04/01/2022

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN ISO 14001:2015

ISO 14001:2015

HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG – CÁC YÊU CẦU VÀ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG

Environmental management systems – Requirements with guidance for use

Lời nói đầu

TCVN ISO 14001:2015 thay thế TCVN ISO 14001:2010 (ISO 14001:2004);

TCVN ISO 14001:2015 hoàn toàn tương đương với ISO 14001:2015;

TCVN ISO 14001:2015 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 207, Quản lý môi trường biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Lời giới thiệu

0.1. Khái quát

Đạt được sự cân bằng giữa môi trường xã hội và kinh tế luôn được coi là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng thỏa mãn các nhu cầu của các thế hệ tương lai. Mục tiêu phát triển bền vững có thể đạt được bằng cách cân bằng ba trụ cột của tính bền vững.

Sự mong đợi của xã hội đối với phát triển bền vững, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đã tiến triển cùng với pháp luật ngày càng nghiêm ngặt, gia tăng áp lực đối với môi trường do ô nhiễm, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực, quản lý chất thải không đúng cách, biến đổi khí hậu, suy thoái các hệ sinh thái và mất đa dạng sinh học.

Điều này đã khiến các tổ chức phải chấp nhận áp dụng cách tiếp cận có hệ thống để quản lý môi trường bằng cách thực hiện hệ thống quản lý môi trường với mục tiêu đóng góp cho trụ cột môi trường bền vững.

0.2. Mục đích của một hệ thống quản lý môi trường

Mục đích của tiêu chuẩn này là đưa ra cho các tổ chức một khuôn khổ để bảo vệ môi trường và ứng phó với các điều kiện môi trường biến đổi cân bằng với các nhu cầu về kinh tế – xã hội. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cho phép một tổ chức đạt được các kết quả dự kiến đặt ra đối với hệ thống quản lý môi trường của mình.

Cách tiếp cận có hệ thống để quản lý môi trường có thể cung cấp cho cấp quản lý cao nhất các thông tin để xây dựng thành công trong thời gian dài và tạo ra các lựa chọn để đóng góp vào sự phát triển bền vững bằng cách:

– bảo vệ môi trường nhờ ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ các tác động xấu cho môi trường;

– giảm nhẹ những tác động bất lợi tiềm ẩn của các điều kiện môi trường đối với tổ chức;

– hỗ trợ tổ chức trong việc thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ sự phù hợp;

– nâng cao kết quả thực hiện môi trường;

– kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến cách thức mà các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức hiện đang được thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và xử lý bằng cách áp dụng quan điểm vòng đời để có thể ngăn chặn những tác động môi trường nảy sinh do sự bất cẩn tại bất kỳ nơi nào trong phạm vi vòng đời;

– đạt được lợi ích về tài chính và hoạt động từ việc thực hiện các giải pháp thân thiện với môi trường nhằm củng cố vị thế trên thị trường của tổ chức;

– trao đổi các thông tin về môi trường cho các bên quan tâm có liên quan.

Tiêu chuẩn này, cũng như các tiêu chuẩn khác, không nhằm mục đích nâng cao hoặc thay đổi các yêu cầu pháp lý của tổ chức.

Tài liệu liên quan